Suốt 15 năm qua, các kỹ sư và các nhà hoạch định chính sách về Internet đã ra sức quảng bá cần nâng cấp hệ thống địa chỉ Internet đang dùng, gọi là IPv4. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều CIO và CTO (giám đốc công nghệ) “bình chân như vại”, và những quan niệm sai lầm đã biện minh cho việc tại sao họ vẫn chưa áp dụng tiêu chuẩn IPv6.
Thực chất, đây là vấn đề quan trọng vì Internet đang sử dụng đến những địa chỉ IPv4 cuối cùng, trong khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên bùng nổ các thiết bị kết nối mạng.
IPv4 sử dụng địa chỉ 32-bit có thể hỗ trợ 4,3 tỷ thiết bị kết nối trực tiếp vào mạng Internet. IPv6 là giao thức thay thế mới không tương thích, sử dụng địa chỉ 128-bit hỗ trợ hàng tỷ tỷ thiết bị.
Dưới đây là 6 quan niệm sai lầm lớn nhất về kho địa chỉ IPv4 và việc triển khai IPv6 mà bạn có thể đã đọc đâu đó trong thời gian gần đây:
1. Internet vẫn còn rất nhiều địa chỉ IPv4
Internet đã dùng hết địa chỉ IPv4 hay chưa phụ thuộc vào nơi bạn đang sống trên thế giới này và tốc độ phát triển mạng ở đó nhanh tới đâu.
Đầu tháng Hai vừa qua, Tổ chức cấp phát số hiệu Internet (Internet Assigned Numbers Authority – IANA) đã giao 5 khối không gian địa chỉ IPv4 cuối cùng (mỗi khối khoảng 16,7 triệu địa chỉ) cho 5 tổ chức đăng ký vùng. Dự kiến các địa chỉ IPv4 cuối cùng này sẽ được cấp phát hết trong năm 2011.
Đây sẽ là cột mốc quan trọng trong lịch sử 40 năm phát triển Internet vì cho thấy sự hạn chế của nguồn tài nguyên địa chỉ IPv4.
Trong vài tháng tới, các hãng viễn thông di động và băng thông rộng sẽ hết sức khó khăn để có được khối không gian địa chỉ IPv4 liền kề cho các mạng đang phát triển nhanh chóng của họ.
Một vài hãng dự báo sự thiếu hụt lớn địa chỉ IPv4 ngay trong năm nay. Chinatelecom của Trung Quốc dự báo thiếu 20 triệu địa chỉ trong năm 2011 để phát triển băng thông rộng di động, IP TV và các dịch vụ phổ biến khác. Hiện Chinatelecom đang bày tỏ mối quan ngại về việc Internet đã cạn kiệt địa chỉ IPv4.
Một số công ty và cơ quan thuộc chính phủ Mỹ đã tham gia nghiên cứu từ đầu sự hình thành và phát triển mạng Internet đã nhận được một lượng lớn không gian địa chỉ IPv4 trước khi người ta nhận thức được nó sẽ là nguồn tài nguyên khan hiếm. Với những tổ chức may mắn này (như quân đội Mỹ, IBM, Viện công nghệ MIT…), họ sẽ không cảm nhận được rằng lượng địa chỉ IPv4 trên Internet không còn đủ dùng nay mai.
Hầu hết các công ty Mỹ, cũng như trên thế giới, kinh doanh trên Internet đều có số lượng địa chỉ IPv4 giới hạn. Do vậy, sắp tới đây, nhu cầu về địa chỉ IPv4 của các công ty này sẽ trở nên vô vọng vì các hãng viễn thông không bói đâu ra để cấp phát cho khách hàng. Đó sẽ là ngày CIO của các công ty này thấm hiểu việc Internet dùng vượt số địa chỉ IPv4.
2. Công ty tôi chưa cần địa chỉ IPv6
Một giám đốc CNTT tại một công ty sở hữu một chuỗi trang web, có doanh thu hàng năm 100 triệu USD mới đây nói rằng, không thể áp dụng IPv6 vào trường hợp kinh doanh. Công ty này chưa chuẩn bị bất kỳ bước triển khai nào cho IPv6, và cũng chưa dành ra một khoản nào trong nguồn kinh phí năm nay cho công việc đó.
Vị giám đốc này đã nhìn nhận sai lầm rằng IPv6 là một sự nâng cấp có thể trì hoãn.
John Curran - Chủ tịch kiêm CEO của Tổ chức đăng ký số hiệu Internet Bắc Mỹ (ARIN) cho biết, tất cả các công ty kinh doanh trên Internet cần hỗ trợ IPv6 trên các máy chủ web và dịch vụ web công cộng trước ngày 1/1/2012 nếu không muốn tự đánh mất khách hàng.
Tương tự, chính quyền Obama cũng yêu cầu tất cả cơ quan thuộc chính phủ liên bang nâng cấp các trang web và dịch vụ công để hỗ trợ lưu lượng truyền theo giao thức IPv6 trước ngày 30/9/2012.
Các chuyên gia cho rằng những công ty chưa có kế hoạch chuyển đổi sang IPv6 có vẻ như đã quá trễ trước tình hình cạn kiệt địa chỉ IPv4.
Giám đốc truyền thông tiếp thị Chris Davis của NTT Mỹ, một nhà cung cấp hàng đầu ở Mỹ về các dịch vụ chuyển đổi và truy cập IPv6, đã ví sự cạn kiệt địa chỉ IPv4 miễn phí như là một hồi chuông cảnh tỉnh. Ông khuyên các công ty hãy coi việc chuyển đổi sang IPv6 là một việc làm nghiêm túc, và phải bắt đầu ngay.
Nhiều CIO (ở Mỹ) vẫn còn “bình chân như vại” là do có chung quan niệm sai lầm rằng các hãng viễn thông của họ sẽ lo “vụ” chuyển đổi sang IPv6 cho khách hàng. Thực tế không có chuyện đó. Các doanh nghiệp phải tự lo để những nội dung web của chính họ sẵn sàng với IPv6 thông qua việc triển khai IPv6 hoặc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 ở các máy chủ web phục vụ phía người dùng (front end) của họ.
Theo Davis, hãng viễn thông lo về IPv6 trên hạ tầng của họ, trong khi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với các mạng riêng của mình và việc truy cập mạng của mình, bao gồm các bộ định tuyến (router), tường lửa (firewall) và các dịch vụ web.
3. Người dùng Internet may mắn sẽ nhận được địa chỉ IPv4 cuối cùng
Các chuyên gia dự đoán rằng chỉ trong vài tháng nữa, Internet sẽ dùng hết các địa chỉ IPv4 và bắt buộc phải chuyển sang hình thái khác.
Hồi tháng Hai, IANA đã “xả” hết kho địa chỉ IPv4 miễn phí. Tới đây, các tổ chức đăng ký Internet khu vực sẽ cấp phát những địa chỉ IPv4 còn lại cho các hãng viễn thông. Dự kiến cũng chỉ “cầm cự” được trong vòng từ 3 đến 9 tháng. Trung tâm mạng lưới thông tin châu Phi (AfriNIC) sẽ là nơi “xuất” những địa chỉ IPv4 cuối cùng.
Trung tâm Thông tin mạng châu Á-Thái Bình Dương (APNIC) có một chính sách duy nhất để phân phối 16,7 triệu địa chỉ IPv4 cuối cùng của khu vực. Các hãng viễn thông sẽ được nhận (một lần) 1024 địa chỉ IPv4, do vậy sẽ có phần địa chỉ IPv4 để dự trữ. Tuy nhiên, lượng địa chỉ IPv4 nhỏ bé này không đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà khai thác mạng đang phát triển rất nhanh. Vì vậy, thực tế là ngay trong năm nay, IPv4 tại châu Á sẽ cạn kiệt.
Ở Mỹ, ARIN cho biết còn lại khoảng 80 triệu địa chỉ IPv4 và dự đoán số địa chỉ này cũng chỉ còn đủ dùng trong vòng 9 tháng tới.
Có một lý do khiến người dùng Internet không thể nhận được địa chỉ IPv4 cuối cùng, là bởi vì các hãng viễn thông thường chia sẻ các nguồn tài nguyên ngày càng quí hiếm này cho nhiều người dùng. Vì thế nếu bạn thấy có ai đó nhận được địa chỉ IPv4 cuối cùng thì có nghĩa là một số người dùng khác cũng đang chia sẻ địa chỉ đó.
Cũng có thể các địa chỉ IPv4 sẽ được tái sử dụng. Các hãng viễn thông và nhiều doanh nghiệp khi nâng cấp lên IPv6 có thể sẽ trả lại những địa chỉ IPv4 thừa cho các tổ chức đăng ký Internet khu vực. Một số tổ chức ở Mỹ như Quân đội Mỹ, ĐH Stanford,… đã trả lại cho ARIN một số dải địa chỉ IPv4 mà họ không dùng tới. Nếu việc trả lại và tái cấp các địa chỉ IPv4 trở nên phổ biến, thời điểm cạn kiệt IPv4 có thể được kéo dài thêm vài tháng nữa.
Như vậy, người may mắn nhận được địa chỉ IPv4 miễn phí cuối cùng vẫn chưa phải là người cuối cùng có được địa chỉ IPv4.
4. Sẽ xuất hiện thị trường đen về địa chỉ IPv4
Các chuyên gia cho rằng sẽ không có thị trường đen về địa chỉ IPv4, bởi vì các tổ chức đăng ký Internet khu vực đã có những qui định đối với các tổ chức trong việc chuyển nhượng hay bán những địa chỉ IPv4 mà họ không dùng tới.
Lấy ví dụ về chính sách của ARIN, qui định cho dù chuyển nhượng hay dùng mới đối với các địa chỉ IPv4, các nhà khai thác mạng phải cho thấy họ có kế hoạch sử dụng các địa chỉ IPv4 để cung cấp các dịch vụ mạng và không tích trữ để dùng về sau.
Nhưng Curran cũng công nhận “sẽ có thị trường chuyển nhượng”. Và trên trang web của ARIN có đăng tải những tổ chức cần không gian địa chỉ”. Trong khi ARIN vẫn theo dõi sát việc sử dụng địa chỉ của các tổ chức.
Theo Curran, ARIN có quyền đòi lại các địa chỉ IP bị chuyển nhượng trái phép, vi phạm chính sách của tổ chức này.
Sắp tới đây, các tổ chức đăng ký số hiệu Internet khu vực có thể đưa ra chính sách mới cho phép dịch chuyển không gian địa chỉ IPv4 từ khu vực này sang khu vực khác.
Raul Echeberria – Chủ tịch Tổ chức tài nguyên số, đại diện cho 5 tổ chức đăng ký số hiệu Internet khu vực, nhấn mạnh, thị trường đen đối với địa chỉ IPv4 là có thể nhưng sẽ rất nhỏ, vì những rào cản từ những qui định chuyển nhượng địa chỉ IPv4. Hơn nữa, địa chỉ IPv4 sẽ mất giá khi các nhà khai thác mạng áp dụng IPv6, khiến thị trường đen này kém hấp dẫn.
5. IPv6 an toàn hơn so với IPv4
Những người ủng hộ IPv6 nói rằng một trong những lợi ích của giao thức mới là nó được tích hợp sẵn để hỗ trợ IP Security (IPsec), một tiêu chuẩn bảo mật Internet cho phép xác thực và mã hóa truyền thông giữa hai điểm trên mạng Internet. Nhưng theo các chuyên gia, IPv4 cũng hỗ trợ IPsec (dưới dạng tùy chọn – PV), nên đây không phải là lợi thế của IPv6.
“IPv6 an toàn hơn IPv4 chỉ là chuyện hoang đường”, Qing Li – nhà nghiên cứu chủ chốt của hãng Blue Coat Systems (hãng này đã hỗ trợ IPv6 trong các thiết bị mạng của họ), cho biết. “IPv6 được thiết kế để việc thực thi IPsec tiện lợi hơn, điều đó không có nghĩa là IPv6 an toàn hơn”.
Có vẻ như IPv6 lại làm cho Internet kém an toàn chứ không phải an toàn hơn. Bởi sẽ có rất nhiều nhà khai thác mạng đồng thời nâng cấp lên công nghệ IPv6, trong khi chưa trải qua thử thách.
Theo Curran, về lâu dài, IPv6 sẽ cải tiến an toàn hơn nhiều cho Internet vì tại mỗi điểm cuối thông tin đều được mã hóa. Tuy nhiên trước mắt, việc chuyển sang IPv6 sẽ gặp rất nhiều vấn đề khi vì các chương trình lần đầu chạy theo giao thức mới có thể xảy ra lỗi. “Do vậy, mọi người sẽ cần phải hết sức cảnh giác”, Curran khuyên.
Một vấn đề nữa là hiện quá ít kỹ sư mạng có hiểu biết và trải nghiệm để đảm bảo an toàn cho các mạng IPv6.
Ngoài ra, các hãng bảo mật lại không cung cấp cùng một số tính năng hay cùng mức độ hiệu năng trong các sản phẩm IPv6 của họ như với các sản phẩm IPv4.
Theo Danny McPherson – Giám đốc an ninh thông tin của VeriSign, việc triển khai IPv6 sẽ tạo ra những lỗ hổng mới cho các nhà khai thác mạng. Ví dụ, Internet sẽ có nhiều thiết bị chuyển dịch địa chỉ hơn khiến dễ bị tấn công DDoS (tấn công từ chối dịch vụ phân tán). Ngoài ra, các nhà khai thác mạng sẽ khó khăn hơn trong việc theo dõi lưu lượng truyền trên Internet, vì vậy họ sẽ khó phát hiện ra các mối đe dọa như kiểu các mạng máy tính ma (botnet).
6. IPv6 sẽ làm cho Internet đơn giản hơn
IPv6 hứa hẹn giải phóng các thiết bị NAT (network address translation) đang được dùng hiện nay như một giải pháp tạm thời khắc phục sự thiếu hụt địa chỉ IPv4.
Nhưng trên thực tế, các nhà khai thác mạng sẽ phải chạy đồng thời cả IPv4 và IPv6 trong nhiều năm nữa. Tình trạng dùng cả hai giao thức kéo dài sẽ gây khó khăn cho quản trị mạng trong tương lai.
“IPv4 sẽ vẫn tiếp tục tồn tại thêm vài thập kỷ”, Curran khẳng định.
Các nhà khai thác mạng phải chạy cả hai giao thức do IPv6 không tương thích ngược, một thực tế mà CIO và CTO khó có thể hình dung và chấp nhận.
“Rất nhiều người nghĩ rằng IPv4 và IPv6 tương thích với nhau và không cần nhiều hoạt động tương hỗ giữa các thiết bị IPv4 và IPv6”, McPherson nói. Cần có các thiết bị chuyển dịch địa chỉ.
IPv6 được xem là dấu chấm hết cho các thiết bị NAT, một giải pháp tạm thời khiến nhiều người bực bội vì chúng làm gián đoạn dòng thông tin liên lạc IP. Tuy nhiên, vấn đề là các nhà khai thác mạng chậm nâng cấp lên IPv6. Do vậy họ sẽ vẫn cần dùng NAT, cùng với các bộ chuyển đổi IPv6-to-IPv4 ngày càng nhiều thêm cho các mạng IPv6.
Liu cho rằng, trong năm năm tới, mọi thứ sẽ phức tạp hơn nhiều bởi vì chúng ta sẽ có hai giao thức chạy đồng thời. Sẽ có rất nhiều công nghệ chuyển đổi được sử dụng. Đường tới IPv6 sẽ còn xa và đầy trắc trở. (theo PCWORLD.COM.VN)